Fandanguillo

Fandanguillo là tên nhạc phẩm của nhà soạn nhạc Tây Ban Nha. Mà có lần con trai lớn của tôi đã chơi guitar ở nhà riêng của ông Klaus Rohland tại Hà nội. Ông là người Đức nhưng làm giám đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt nam. Tháng 12 năm 2011 tôi viết 1 bài về chuyện này, đăng trên blog ở trang Yahoo:

GIÁNG SINH

Hôm qua xem TV, thấy một gương mặt quen quen. Liền bảo vợ: người này sao nom quen quá. 

Nhìn kỹ, thì ra đó là ông Klaus Rohland. Người từng làm giám đốc Văn Phòng Ngân Hàng Thế Giới tại Việt nam.
Klaus Rohland
Nhớ thời điểm ông mới sang nhậm chức tại Hà nội, đúng vào dịp cuối năm 2002. Hồi đó tôi cũng vừa gia nhập gia đình WB, nhưng tính thời gian làm việc tại Văn Phòng ở Hà nội thì ông là “lính mới” hơn.

Theo “tục lệ”, vào dịp giáng sinh, năm mới, văn phòng tổ chức liên hoan cho tất cả nhân viên, và gia đình của họ nữa.

Vợ chồng ông giám đốc liền kết hợp làm lễ “ra mắt” nhân viên tại nhà riêng. Khi nghe thông báo như vậy, chợt nghĩ WB tại Hà nội có cả đống người, lại thêm thân nhân của họ nữa thì nhà ông chứa vào đâu cho hết. Nhưng với nề nếp làm việc chuyên nghiệp của WB và nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các sự kiện tương tự, thì tôi tin rằng lo như vậy là thừa.

Đến nơi mới biết là nhà ông bà Rohland rất rộng, tọa lạc trên diện tích cả ngàn mét vuông ở Hồ Tây. Có cả sân, vườn, thoải mái. Mọi người đến đông nghịt, mà vẫn đủ chỗ cho tất cả.

Trước đó văn phòng thông báo là ngoài ăn uống, sẽ tổ chức liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn do các con em trong văn phòng trình diễn, khuyến khích các bố mẹ động viên con cái có gì đóng góp nấy. Vui là chính, trình độ cao thấp không quan trọng.

Với tinh thần ấy, tôi về động viên con trai lớn đóng góp tiết mục ghi ta cổ điển, bài “Dân Vũ Tây Ban Nha”. Khi đăng ký tiết mục, chị đồng nghiệp hỏi tên tiếng Anh của bài đó là gì thì tôi….chịu. Quê quá, mãi sau này, khi con trai thứ hai học đàn ghi ta, chơi tới bài này thì mới hay, đó là bản nhạc nổi tiếng Fandanguillo của Bartolome Calatayud, nhà soạn nhạc Tây Ban Nha (1882-1973).

Con trai lớn hồi đó vốn nhát, ít có dịp tới các sự kiện đông người. Đã thế lại vừa mới tập đàn chưa được bao lâu, nghe nói sẽ biểu diễn thì càng sợ. Nhất là trước đông đảo quan khách tới từ nhiều nước, đủ các màu da, ta có, tây có. Cái bản nhạc đó tuy ít người Việt biết, nhưng với người nước ngoài thì khác. Tôi nói với con trai là hôm ấy sẽ không thiếu những đôi tai sành âm nhạc, và chắc có người biết rõ bài này. Chơi lỗi là họ biết ngay. Nên con phải tập cho kỹ vào. Thuyết phục con trai dám “liều mình, múa rừu qua mắt thợ” ở một sự kiện như thế là một thách thức không nhỏ.

Cuối cùng thì nó cũng chiếu cố tới đề xuất của bố. Hàng ngày chịu khó tập luyện chăm chỉ. Hôm đó, hai bố con tới nơi khá sớm, mới có vài người đến trước. Vợ chồng ông bà Rohland tươi cười ra đón khách. Họ hỏi chuyện hai bố con rất ân cần. Vậy mà con trai vẫn có vẻ bồn chồn, lo lắng. Vào bữa ăn, có bao nhiêu món ngon mà dường như lo quá, nên cu cậu không ăn được mấy. Tôi liền dẫn nó đi xem nhà một vòng, thấy nhiều thứ lạ, nó có vẻ thư giãn hơn. Rồi hai bố con ra ngoài, đi dạo quanh hàng xóm khu đó, xem tư dinh của các đại gia, làm cu cậu rất ấn tượng.

Khi quay trở lại thì cũng là lúc bắt đầu các tiết mục văn nghệ, bố trí trong một phòng rộng của căn biệt thự. Các bé đứng lên múa hát, rất tự nhiên. Rồi cháu MC dẫn chương trình đọc tới tên và tiết mục của bố con nhà này, cu cậu như giật mình, tiến lại chỗ để đàn ở góc phòng, luống cuống lấy ra khỏi bao, và ngồi vào nghế. Không khí ồn ào vui vẻ của mọi người im lặng dần. Thằng bé lúc đầu có vẻ căng thẳng. Nhờ chuẩn bị thật kỹ lưỡng mà nó đã tự tin và mạnh dạn hơn. Rồi tiếng đàn cũng cất lên, vào nhịp được và chơi tới cuối bài. Tuy có đôi chỗ vấp, mắc lỗi, mọi người vẫn rộng lượng vỗ tay rào rào. Tôi cũng thở phào.

Ông Klaus Rohland sau khi hết nhiệm kỳ, rời Việt nam để luân chuyển sang một số nước khác. Hiện nay ông đang làm Tổng Giám đốc WB tại Trung Quốc, đồng thời phụ trách cả Hàn Quốc và Mông Cổ. Nom ông vẫn thế, dường như không già đi mấy. Thằng bé tới nhà ông chơi ghi ta hồi đó mới 13 tuổi, còi gí, nay đã cao gần 1.8 m, đang học ở Phần lan.

Còn vài ngày nữa là đến GIÁNG SINH thứ 10 kể từ lần ấy.

Fandanguillo do con trai út vừa chơi xong:

Lại sắp đến một mùa giáng sinh nữa.  Giai điệu của bản nhạc gợi nhớ về những kỷ niệm từ hơn mười năm về trước….
Khi đó thằng bé chơi guitar trong video ở trên mới có 6 tuổi, chưa biết nốt nhạc nào.

Phần lan

Trên mạng internet gần đây có đưa tin về việc tạp chí Reader’s Digest (Mỹ) vừa thực hiện cuộc khảo sát đánh giá 16 thành phố, xem nơi nào trung thực nhất. Bằng cách đánh rơi 192 cái ví có 50 USD, một số điện thoại, một danh thiếp và 1 tấm ảnh gia đình. Ở mỗi thành phố trong diện khảo sát thuộc châu Á, châu Âu và châu Mỹ, người ta “đánh rơi” 12 cái ví.

Kết quả là có 47% số ví được về lại với chủ cũ!

Thủ đô Helsinki (của Phần Lan) được tạp chí bình chọn là trung thực nhất khi có 11/12 chiếc ví được trả lại cho người “đánh rơi”. Còn thành phố đội sổ là Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha) chỉ có 1 cái ví được trả lại.

Nhân chuyện này, nhớ hồi 2009 con trai tôi mới sang Phần lan du học. Nó thuê nhà ở trong một tòa chung cư. Có lần gọi điện về, nó kể:

  • Đêm qua con thấy một người lạ vào phòng, rồi chắc nhận ra là nhầm, liền quay ra. Tôi lo lắng dặn:

  • Các con khi ngủ phải khóa cửa cẩn thận, kẻo mất đồ đạc đấy, như vali, máy tính laptop, điện thoại di động chẳng hạn. Nó cười bảo:

  • Bố mẹ yên tâm, ở đây không như Việt nam, mất làm sao được. Tôi liền nhắc:

  • Con đừng chủ quan thế. Thì nó nói:

  • Bên này có muốn đánh mất đồ cũng khó bố ạ. Nếu quẳng ví ở ngoài đường, thì mấy hôm sau nó tự tìm về với chủ cũ. Tôi mắng:

  • Chỉ được cái tán dóc. Nhưng nó cam đoan đó là sự thật 100%.

Và kể một đứa bạn học vừa mất laptop, trong túi đựng máy tính, và ví tiền, mà không biết là đã mất ở đâu. Mấy ngày sau thì có thông báo ra đồn cảnh sát nhận về. Thì ra bạn nó để quên trên xe buýt.

Nhiều lần thấy người dân Phần lan ra hồ, bơi lội, còn xe đạp họ để cách bờ một đoạn xa, không khóa, mà xe không mất. Mấy năm gần đây số người nước ngoài vào Phần lan tăng lên, dân ở đó mới bắt đầu phải làm quen với việc khóa xe đạp.

Bạn cùng phòng với nó, có lần bị rơi mất 1 cái găng tay, một hôm khi đang đi học, nó reo lên, anh ơi cái găng tay của em đây này. Thì ra có người đã nhặt, rồi treo trên 1 cành cây ven đường.

Nó kể, nếu thấy ví hoặc đồ đạc của ai bị rơi, người Phần lan thường ứng xử theo 1 trong 2 cách:

  • Nhặt lên, đem tới đồn cảnh sát, hoặc

  • Không nhặt (vì họ đang vội, hoặc ngại mất thời gian mang nộp ở đồn, bởi họ yên tâm rằng nếu mình không nhặt và mang đi nộp, sẽ có người khác làm thế, khỏi lo, trước sau gì người chủ cũng sẽ được nhận lại của bị đánh mất)

Phần lan là nước bắc Âu, diện tích hơn 338 ngàn cây số vuông, dân số chỉ vẻn vẹn có 5,2 triệu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế Giới (ở đây), thu nhập đầu người của Phần lan là 38.655 USD, đứng thứ 19 thế giới, trên cả Pháp, Mỹ và Nhật bản.

Ở xứ sở của hãng NOKIA nổi tiếng, người dân rất thật thà. Nói dối gây tổn hại cho người khác, hoặc gian lận là điều gì đó quá xa lạ trong xã hội Phần lan và bị luật pháp nghiêm trị. Nghe nói có một gia đình Việt kiều, mở công ty bên ấy, trốn thuế, đưa người nhập cư bất hợp pháp, vừa rồi mấy bố con nhà đó đã bị kết án tù.

Phần lan mấy năm gần đây là tâm điểm về du học, nhất là đối với Việt nam. Bởi chất lượng giáo dục hàng đầu châu Âu, lại miễn học phí. Trong khi sinh hoạt phí chỉ 500 Euro/tháng, tức 6000 Euro/năm. So với học đại học ở Mỹ, nếu không được học bổng, tốn cỡ 45-50 ngàn USD/năm, để có cái bằng tổng chi phí khoảng 180-200 ngàn đô.

Nước Phần lan đất rộng, người thưa, môi trường tự nhiên trong lành, xã hội văn minh, con người hiền hòa trung thực, nhân hậu. Chính phủ Phần lan thực sự dân chủ, thực sự vì dân, do dân. Mặc dù mùa đông lạnh hơn so với nhiều nước châu Âu khác do vị trí gần với Cực Bắc địa cầu, đó vẫn là một nơi lý tường để học tập, sinh sống, sáng tạo, cống hiến và phát huy tài năng.

Ở một xã hội thật thà, trung thực, thì con người không cần phải luôn luôn cảnh giác hoặc lo lắng, đề phòng bị lừa gạt như ở nhiều nơi khác. Thần kinh của họ được nghỉ ngơi, thư giãn. Họ được sống bình an. Đó là cuộc sống tinh thần có chất lượng ở mức rất cao.

Canon in D

Canon in D là nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Johann Pachelbel, ông sinh năm 1653 tại Nuremberg trong một gia đình trung lưu Đức, mất năm 1706.

Hồi đầu tôi thấy không đặc sắc lắm, nhưng nghe con trai tập nhiều lần, thấy thích lúc nào không biết. Hiếu cũng rất mê tác phẩm này:

Ngoài Canon ra Pachelbel còn nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác như Chaconne in F minor, Toccata in E minor cho đàn organ, và Hexachordum Apollinis. Chaconne cũng hay nhưng dài quá và khi chơi đòi hỏi nhiều kỹ thuật rất khó, nên Hiếu chưa dám nghĩ tới.

Nhờ có con trai lớn giúp cài đặt, nâng cấp phần mềm và hướng dẫn bố sử dụng nên giờ việc xử lý video chỉ cần 2 bước: sau bước lọc tạp âm, thì khi ghép phần tiếng với phần hình có thể chọn định dạng mình muốn. Ví dụ *.MP4 hoặc *.wmv  v.v.). Bớt được một bước chuyển định dạng (bằng converter, xem ở đây).